Cảm nhận về ngôi trường THCS, THPT Đăng Khoa
Từ những ngày đầu bước chân vào trường đầy bỡ ngỡ – xa lạ – không có chút gì gọi là vui…Cho đến khi trãi qua ba năm học, Đăng Khoa cho tụi em biết thế nào là tình thương của người Thầy. Sự thương yêu chăm sóc của Thầy cô Chủ nhiệm – Quản nhiệm – Giáo viên bộ môn cho tụi em cảm giác đó là những người cha, người mẹ thật sự, dạy cho các em từng chút. Từ kiến thức văn hóa cho đến giúp các em trở thành những con người hoàn thiện hơn, dần dần loại bỏ bớt những tật xấu mà tụi em từng mắc phải: hút thuốc, chửi thề, lười học…Dù có khi Thầy cô phải rầy, phải dạy…thậm chí là phạt, nhưng tụi em đều biết sau những lời rầy mắng đó là tấm lòng của Thầy cô muốn tụi em tốt hơn, giỏi hơn mà thôi.
Năm học này là năm học cuối, tụi em còn ngồi đây lớp 12A2, dưới mái trường Đăng Khoa lắng nghe lời Thầy cô dạy dỗ. Sau nay dù cách xa nhưng Đăng Khoa mãi là nơi tụi em nhớ về, vì đó một thời là mái nhà ấm áp của tụi em.
Từ trái tim, lớp 12A2 tụi em mãi nhớ về Thầy cô cùng với những thương yêu mà Thầy cô đã hết lòng dành tặng tụi em…
Học sinh : Ngô Thanh Phương An, Lê Minh Vệ
Giáo viên chủ nhiệm: Đặng Ngọc Hân
Giáo viên quản nhiệm: Phạm Thị Vân
“Trường cấp 3 của bạn thế nào?”
Tôi là học sinh lớp 12A7 của trường THCS, THPT Đăng Khoa – một ngôi trường dân lập nhưng lại thật tỏa sáng trong trái tim những đứa học sinh cuối cấp như chúng tôi. Nghe đến hai chữ dân lập ấy, hẳn là mọi người khi đọc đến đây sẽ có chút khựng lại đúng không? Thế nhưng chúng tôi lại thật tự hào về điều đó, bởi cuộc đời này muôn hình vạn trạng: tốt có, xấu có, văn minh có, thô tục cũng có. Thực chất “thùng rỗng vẫn luôn kêu to”, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tôi muốn nói “rận” ở đây không phải chỉ để ám chỉ điều xấu mà còn là những điều thật tốt đẹp mà chỉ khi ta thực sự tự bước chân vào đấy mới có thể khám phá tường tận nó.
Khi nhắc đến trường chúng tôi, tôi tự hào vì trường tôi có rất nhiều giáo viên giỏi, đặc biệt hơn là họ rất quan tâm đến học sinh. Có ở đâu không, thầy cô nào lại xem học sinh như những đứa con của mình, sẵn sàng mở lòng tâm sự với chúng như những người bạn thân. Có ở đâu không ở hệ cấp 3 thế này rồi, thầy cô lại đến từng bạn chỉ dạy kiến thức tận tình như vậy? Bởi thế, tôi mới thực sự thấu hiểu ý nghĩa châm ngôn của trường tôi: “Đăng Khoa – Nơi đong đầy tình thương và trách nhiệm”. Thầy cô ở đây thật đáng quý biết nhường nào. Tất cả nhờ vào công sức của thầy cô mà những đứa học sinh sắp rời trường như chúng tôi đã có những thành tích học tập thật đẹp, thật đáng tự hào.
Tôi viết những dòng này hôm nay sẽ là minh chứng cho việc trường tư không có nghĩa là kém, việc kém hay giỏi nằm ở ý thức và nhận thức của mỗi cá nhân. Học sinh trường tôi không dám khẳng định mình ngoan hẳn, chúng tôi là những đứa con chưa lớn, đôi khi còn mắc những sai lầm, nhưng tình thầy trò trường Đăng Khoa chúng tôi lớn lao lắm, các thầy các cô vẫn luôn bao dung chúng tôi nhiều hơn thế để rồi mai này trong tương lai khi bất giác nghĩ lại, chúng tôi thấy mình thật may mắn biết bao nhiêu. Hành trình “những người truyền lửa” của trường tôi đã đi qua hết bao năm tháng rực rỡ đời mình và hành trình đó sẽ còn được tiếp bước mãi mãi vì trong mỗi người họ đều mang trong mình những trái tim nhiệt huyết với nghề, những tấm lòng ấm áp yêu thương. Tất cả chúng tôi, những đứa học trò đến từ những vùng miền khác nhau của Tổ Quốc đều cảm thấy mình thật sự may mắn khi được sống và học tập dưới mái nhà Đăng Khoa này. Có những bài học hay, nhẹ nhàng, sâu lắng, cũng có những kiến thức thật khô khan, nhưng bằng tất cả lòng yêu thương, sự tâm huyết của thầy cô cứ thế đã thay đổi chúng tôi từng ngày. Tôi thấy mình trưởng thành hơn, tiến bộ hơn. Có thể chúng tôi không nhớ hết những bài giảng ấy nhưng sẽ lại không thể quên những dáng hình tận tụy bên bục giảng thân quen. Nhờ đó, chúng tôi hiểu được rằng yêu thương không nhất thiết phải thể hiện ra bằng những lời nói hoa mĩ mà nó chỉ là những hành động âm thầm không hề phô trương tô vẽ. Việc nhìn thấy học trò mình lớn lên, trưởng thành qua năm tháng là hạnh phúc lớn nhất của nghề dạy chữ. Mái trường này-ngôi nhà thứ hai tuyệt vời của tôi, nơi mà có thể tôi yêu hơn cả nhà mình, nơi luôn có những người bạn sẵn sàng giúp đỡ, quan tâm tôi.
Tôi yêu tất cả thầy cô nơi này, những người luôn có mặt khi chúng tôi cần, những người tạo nên động lực và niềm tin trong tôi để tôi vượt qua cái cảm giác tự ti trong bản thân mình. Không những dạy chữ, thầy cô trường Đăng Khoa còn gieo vào chúng tôi những đạo đức sống thật đẹp. Thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn quan tâm đến cảm xúc, tinh thần của học sinh. Nhà trường tổ chức những buổi giao lưu dạy cách sống, hướng chúng tôi đến những hoàn cảnh cực khổ hơn qua những bữa cơm từ thiện mà trường phát động. Từ đó chúng tôi biết mở lòng với thế giới ngoài kia, không chỉ là cá thể chỉ biết sống cho bản thân mình.
Trường dân lập chúng tôi luôn có những học sinh nội trú từ các tỉnh thành khác nhau. Cả năm học chúng tôi là những đứa trẻ xa nhà, lúc ấy thầy cô không chỉ là “người giám hộ” mà trở thành người cha người mẹ đúng nghĩa, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, quá trình sinh hoạt sức khỏe lẫn tinh thần cho chúng tôi. Họ xem chúng tôi như những đứa con trong gia đình lớn, mà chính họ là những người cưu mang, nâng đỡ. Nhờ có tình yêu thương của thầy cô mà chúng tôi đã bớt phần nào nỗi nhớ nhà, cái nỗi cô đơn khi mình là cá thể khó hòa nhập trong một tập thể.
“Như quy luật xuân đi rồi hạ đến
Lớp một xong sẽ có lúc mười hai
Cánh phượng nào xoay bay vào nỗi nhớ
Hạ vô tình đem hai chữ chia tay.”
Tôi sẽ nhớ lắm từng cái bàn, cái ghế, từng viên phấn nhỏ nhắn, nhớ cái phòng học ồn ào tiếng cười đùa của chúng tôi. Tôi yêu mái trường, yêu khoảng sân nơi nâng đỡ từng bước đi, nơi tổ chức trò chơi dân gian cho chúng tôi và cả những lần sinh hoạt tập thể. Tôi yêu những lời dạy bảo nghiêm khắc của thầy cô, tôi tự hào về mái trường nội trú đã cho tôi quá nhiều điều quý giá mà đến một ngày khi rời xa nó, người buồn lòng nhất không ai khác chính là chúng tôi – những cô cậu học trò cuối cấp phổ thông. Đăng Khoa sẽ mãi là những kí ức thanh xuân tuyệt đẹp luôn khắc sâu trong đáy lòng tôi.
Trường cấp 3 Đăng Khoa của tôi là thế đấy!
Thực hiện: Trà My – Lớp 12a7 (Niên khóa 2020-2021)
Giáo viên chủ nhiệm: Phu Tống Kíu
Giáo viên quản nhiệm: Giản Thanh Lạc